Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu sang Hàn Quốc - Công ty TNHH Dệt May Quang Minh

Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu sang Hàn Quốc

Một loạt các giải pháp quan trọng vừa được thông qua để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc cũng như thúc đẩy thương mại song phương Việt – Hàn hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào năm 2020.

Xuất khẩu sang Hàn Quốc sụt giảm vì đại dịch

Trong thời gian vừa qua, những diễn biến và tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng tới các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam khiến cho kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng rất lớn. Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, trong quý I, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 7,5 tỷ USD, giảm 14,9%; thị trường ASEAN đạt 6 tỷ USD, giảm 5,2%…

Bên cạnh đó, đáng chú ý là tại thị trường Hàn Quốc trong quý I, xuất khẩu của nước ta chỉ đạt 4,5 tỷ USD, giảm 2,7%. Mặc dù, từ đầu tháng 3, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trở lại, giảm tốc ở mức độ thấp hơn nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước.

Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương), trong thời gian qua, nước ta đã nỗ lực đa dạng hoá thị trường nhập khẩu, trong đó có nhắm tới mục tiêu hướng đến kết nối để Hàn Quốc trở thành đối tác cung cấp nguyên, vật liệu đầu vào của Việt Nam, đặc biệt với ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ… trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến “đầu vào” sản xuất của DN. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh cùng những hoạt động kiểm soát y tế nên kết quả đem lại chưa cao.

Trong bối cảnh đó, chiều ngày 13/4/2020, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc để thảo luận và thống nhất một số định hướng chính, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động giao thương của DN nhằm đạt mục tiêu cán đích mức tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD giữa hai nước trong năm 2020.

Tại hội đàm, Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh, thời gian qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) đã góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trong những lĩnh vực thế mạnh mà Việt Nam có nhu cầu hợp tác như: Nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, công nghiệp điện tử, lọc hóa dầu, công nghiệp hỗ trợ,…

Đáp lại, Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yun-mo khẳng định, trong bối cảnh người dân và DN của hai nước đều gặp khó khăn do dịch bệnh, hai bên cần cùng phối hợp chặt chẽ, không tạo thêm khó khăn cũng như thực hiện các biện pháp mới, mang tính sáng tạo để tạo thuận lợi nhất cho người dân và DN.

Tháo gỡ nhiều nút thắt quan trọng cho DN

Nhằm tận dụng tốt hơn nữa Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam cũng như thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc, cũng trong chiều ngày 13/4, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Quyết định thành lập nhóm công tác xây dựng Hệ thống trao đổi dữ liệu C/O điện tử trong khuôn khổ VKFTA.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hệ thống này khi đi vào triển khai, DN sẽ không cần xuất trình C/O bản giấy để được áp dụng ưu đãi thuế nhập khẩu nữa. Thông qua đó sẽ góp phần giảm chi phí đi lại, giao dịch và tạo thuận lợi nhất cho DN hai bên; đảm bảo duy trì, không gián đoạn hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh không thể gặp mặt trực tiếp do dịch Covid-19.

Hơn nữa, hiện Việt Nam trở thành mắt xích chủ yếu trong chuỗi cung ứng của DN Hàn Quốc đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất ô tô, điện tử, dệt may…Do đó, nhằm đảm bảo sản xuất ổn định và bền vững, theo ông Trần Tuấn Anh, Việt Nam và Hàn Quốc cần triển khai ngay việc phát triển chuỗi cung ứng về linh kiện phụ tùng ô tô.

Đồng thời, ông Trần Tuấn Anh cho biết, Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới nên cần nhanh chóng ban hành quy định cho phép DN khai thác ngay việc cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may theo EVFTA để tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc, phục vụ sản xuất, xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam đi châu Âu.

Song song với đó, Việt Nam khuyến khích DN Hàn Quốc sang Việt Nam đầu tư trong các lĩnh vực dệt may, da giầy, đồ gỗ, điện tử, chế biến nông thủy sản, tận dụng lợi thế của EVFTA, CPTPP khai thác thị trường thế giới.

Ngoài ra, đánh giá về tiềm năng hợp tác cung ứng, đầu tư nuôi trồng nông thủy sản và chế biến rau quả, trái cây tươi, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề nghị phía Hàn Quốc đẩy nhanh quá trình đánh giá rủi ro cấp phép nhập khẩu cho quả thanh long ruột đỏ, quả bưởi của Việt Nam; hỗ trợ phía Việt Nam triển khai các hoạt động giúp kết nối và đưa hàng Việt Nam phân phối trực tiếp qua các kênh phân phối lớn của Hàn Quốc như Lotte Mart, E-Mart, Home Plus, CJ Home Shoping.

Bộ Công thương cũng đề nghị Hàn Quốc không tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ ván ép của Việt Nam. Nếu biện pháp chống bán phá giá được áp dụng sẽ ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục nghìn lao động trực tiếp và hàng trăm nghìn hộ nông dân trồng rừng của Việt Nam, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc, tiếp tục gây mất cân đối cán cân thương mại giữa hai nước./.

Nguồn: Thời báo Tài chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.